Nhựa Việt Nam rộng đường xuất khẩu

Là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng tốt, sản phẩm nhựa đang có triển vọng ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Thông qua việc mua lại hơn 7 triệu cổ phiếu, Sekisui Chemical (Nhật Bản) vừa trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cổ Phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong Phía Nam (Tiền Phong Nam) sau khi đã nắm hơn 25% cổ phần tại công ty này.

Bước đi của Sekisui diễn ra trong bối cảnh ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam hiện tại, với mức từ 15% đến 17% mỗi năm. Trong 6 tháng đầu năm, ngành này đã nhập khẩu 2,36 triệu tấn nguyên liệu nhựa các loại, tương đương 3,5 tỷ đôla, tăng 14,2% về lượng và 24,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Sự tăng trưởng được thúc đẩy một phần nhờ mảng ống nhựa thoát nước đang ăn theo tốc độ phát triển của ngành xây dựng, bất động sản.

Theo kế hoạch, Sekisui sẽ chuyển giao công nghệ để Tiền Phong Nam sản xuất những sản phẩm mà thị trường vốn đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Cùng với đó, các sản phẩm Tiền Phong Nam cũng rộng cửa xuất khẩu sang Nhật Bản hoặc tham gia vào các dự án đầu tư của nước này trong khu vực.

nhua-viet-nam-rong-duong-xuat-khu

Ngành nhựa thoát nước đang có cơ hội ‘ăn theo’ ngành xây dựng, bất bộng sản.

“Triển vọng phát triển của ngành nhựa thoát nước tại Việt Nam là rất lớn. Các sản phẩm có cơ hội cung cấp cho các dự án ODA của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực hạ tầng”, ông Kubo Hajime, thành viên Ban giám đốc điều hành Sekisui Chemical Nhật Bản nhận định hôm 5/7.

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nhựa tại thị trường Nhật Bản hàng năm vào khoảng trên 10 tỷ đôla. Vài năm trở lại đây, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang thị trường này chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam.

Xét về dài hạn, triển vọng “xuất ngoại” của ngành nhựa không chỉ riêng Nhật Bản. Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang các nước 6 tháng đầu năm ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2016. “Thông qua những con số tăng trưởng của ngành, chúng tôi tin rằng ngành nhựa trong thời gian tới sẽ còn phát triển vượt bậc”, ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam tuyên bố.

Cũng theo Hiệp hội Nhựa, cùng với Hiệp định thương mại RCEP, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU và TPP thông qua, sản phẩm ống và phụ tùng nhựa sẽ tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang những thị trường trên nhờ được giảm thuế từ 5% đến 0%.

Cụ thể, nếu nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam được nhập từ một trong 16 nước, bao gồm 10 nước khu vực Đông Nam Á và 6 nước cộng thêm là Trung Quốc, Australia, Newzeland, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, thì thành phẩm sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi giảm thuế.

Theo các chuyên gia, điểm hạn chế còn lại của ngành nhựa Việt Nam là còn phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu. Tuy nhiên, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn hiện đã sản xuất được mặt hàng nguyên liệu nhựa PP với sản lượng 150.000 tấn mỗi năm. Riêng nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất thiết kế là 400.000 tấn nguyên liệu nhựa mỗi năm. Dự định trong năm 2017, nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 100.000 tấn và từ năm 2018 trở đi là 300.000 tấn mỗi năm.

Riêng với Tiền Phong Nam, sau 10 năm phát triển từ một trụ sở và nhà xưởng chưa đến 5 hécta thì nay đang chuẩn bị xây dựng thêm nhà xưởng với diện tích 11 hécta. Sau khi có cổ đông chiến lược mới, công ty này cũng tự tin đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 là 1.000 tỷ đồng.